Suckhoedoisong.vn - Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang là vấn đề được mọi người quan tâm chú ý. Sự đáng lo ngại của chủng virus này là tốc độ lây lan rất nhanh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh đến nơi đông người..., một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện nay là tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của virus. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc bổ sung probiotic (lợi khuẩn) được các chuyên gia khuyến cáo...
Vai trò của probiotic trong các bệnh cúm và viêm đường hô hấp trên
Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy probiotic được coi là an toàn và có hiệu quả góp phần phòng ngừa các bệnh về nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm mắc cúm do virus. Một nghiên cứu sử dụng sản phẩm có chứa chủng khuẩn Lactobacillus casei Shirota trong 12 tuần trên người trưởng thành 30-49 tuổi đã cho thấy, tỷ lệ mắc viêm đường hô hấp trên và cảm cúm ở nhóm uống sản phẩm chứa Lactobacillus casei Shirota thấp hơn có rõ rệt so với nhóm không uống và các đối tượng mắc thì có sự phục hồi nhanh hơn, đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng số lượng tế bào có chức năng miễn dịch trong máu và nước bọt của các đối tượng sử dụng sản phẩm. Một nghiên cứu ngẫu nhiên trên người khỏe mạnh tuổi từ 18-60 tuổi sử dụng sản phẩm chứa chủng khuẩn Lactobacillus casei 431 cho thấy thời gian mắc các triệu chứng đường hô hấp trên trong 3 tuần cuối cùng của giai đoạn can thiệp ở nhóm probiotic ngắn hơn so với nhóm dùng giả dược. Việc bổ sung sản phẩm có chủng khuẩn Bifidobacteria BB 12 cũng đã được nghiên cứu là có hiệu quả tăng cường chức năng miễn dịch hỗ trợ phòng chống cúm mùa. Các nghiên cứu cũng cho thấy Lactobacillus và Bifidobacterium có khả năng sinh axit lactic và axit axetic làm giảm độ pH đường ruột và ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh khác, đồng thời có khả năng tăng đáp ứng miễn dịch thông qua kích thích hoạt động thực bào của các tế bào lympho và đại thực bào.
Bổ sung probiotics có nhiều lợi ích cho sức khỏe, không chỉ với hệ tiêu hóa.
Hội Nhi khoa Nhật Bản gần đây cho thấy việc bổ sung probiotic mỗi ngày 2 lần có thể làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi và phải nghỉ học ở trẻ em từ 8-13 tuổi. Bên cạnh đó, còn ngăn chặn mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng do virus gây ra như cảm cúm thông thường và cũng có thể ngăn ngừa khả năng nhiễm trùng thứ phát như viêm xoang và tai giữa. Ngoài các tác dụng tăng cường miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng do virut, probiotic cũng được chứng minh rằng có hiệu quả làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng hoặc triệu chứng dị ứng theo mùa ở trẻ em.
Tăng cường miễn dịch
Những năm gần đây, các thực phẩm chứa lợi khuẩn đã được người tiêu dùng quan tâm sử dụng do các đặc tính có lợi cho sức khỏe. Probiotic hay lợi khuẩn gồm một nhóm các vi khuẩn rất khác nhau, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loài sinh vật khác, do phương thức sống cộng sinh tự nhiên, thường được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của nhiều loài động vật. Chúng còn được gọi là “vi khuẩn thân thiện” hay “vi khuẩn có lợi” (vi khuẩn có lợi cho con người), những vi khuẩn này được bổ sung vào chế độ ăn nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để cải thiện sức khỏe. Đây là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của “vật chủ” cộng sinh. Probiotic tăng cường sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và nhiều lợi ích khác.
Sữa chua và thực phẩm lên men chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho sức khỏe.
Hệ miễn dịch là một hàng rào tự nhiên bảo vệ cơ thể, probiotic cơ thể tăng cường miễn dịch thông qua việc thúc đẩy sự sản xuất các kháng thể, các tế bào có chức năng miễn dịch như tế bào sản xuất IgA, tế bào lympho T và tế bào diệt tự nhiên (Nature killer cell)... Nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) cho thấy nhóm nghiên cứu gồm những người tình nguyện uống sản phẩm có probiotic trong vòng 4 tuần có số lượng tế bào miễn dịch cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng không uống probiotic. Chủng vi khuẩn có lợi Lactobacilus casei Shirota được sử dụng trong nghiên cứu này được bác sĩ người Nhật Minoru Shinota phân lập năm 1930 từ hơn 300 chủng giống vi sinh vật và đã được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản trên 80 năm qua. Lactobacilus casei Shirota đã được nghiên cứu và chứng minh có khả năng làm tăng số lượng tế bào miễn dịch cũng như kích hoạt hoạt động miễn dịch của cơ thể. Việc gia tăng số lượng tế bào miễn dịch cũng được ghi nhận trên những người sử dụng Lactobacilus casei Shirota liên tục 3 tuần trong một thử nghiệm tại Italy. Nghiên cứu của các tác giả Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã chỉ ra việc sử dụng sữa có Lactobacilus casei Shirota còn làm gia tăng số lượng tế bào CD4, chỉ số đánh giá tình trạng miễn dịch và nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội, ở các bệnh nhi Việt Nam mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AID). Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy một số chủng khuẩn khác thuộc dòng Lactobacillus và Bifidobacterium có khả năng sinh axit lactic và axit axetic làm giảm độ pH đường ruột và ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh khác, đồng thời có khả năng tăng đáp ứng miễn dịch thông qua kích thích hoạt động thực bào của các tế bào lympho và đại thực bào.
Tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và sử dụng các thực phẩm dinh dưỡng hỗ trợ nâng cao thể trạng và miễn dịch có thể giúp chúng ta dự phòng dịch bệnh một cách hiệu quả.
PGS.TS. Trương Tuyết Mai - ThS.BS. Bùi Thị Mai Hương