Triệu chứng:
Ban đầu người bệnh thường có cảm giác cộm, ngứa, nóng rát trong mắt, có cảm giác như có hạt cát trong mắt, kết mạc mắt đỏ, xung huyết, kèm theo là sợ ánh sáng, chảy nước mắt.
Bệnh thường kéo dài 1 đến 2 tuần, bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời hoặc không đúng bệnh sẽ tiến triển nặng lên như : viêm kết mạc, đau nhức, nhiều dử mắt, viêm giác mạc, loét giác mạc…dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân:
Bệnh chủ yếu là do vi khuẩn và vi rút gây ra. Bệnh thường lây lan giữa các cá nhân trong gia đình, nơi làm việc, và trường học..... dễ diễn biến thành dịch. Bệnh lây qua các tia nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi, hay người bệnh dụi mắt, dụi mũi rồi dùng tay đó quệt, bôi ra các vật dụng như: Bàn ghế, bát đũa, điện thoại, bắt tay nhau… từ đó lây bệnh cho người lành.
Phòng bệnh:
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần chú ý như sau:
* Đối với người lành:
- Vệ sinh sạch sẽ 2 bàn tay, chú ý giữ vệ sinh cá nhân, không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt
- Đeo khẩu trang, đeo kính khi đi ra đường để hạn chế gió. bụi bẩn bay vào mắt
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý
- Tránh tiếp xúc với người bệnh
- Dùng riêng khăn mặt, cốc, thìa
- Không nên tụ tập nơi đông người khi không cần thiết
* Đối với người bệnh:
Khi đau mắt đỏ nên đến cơ sở Y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không tự ý dùng thuốc. Không nên dùng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh như: Xông thuốc, xông lá bừa bãi để chữa vì làm như vậy có thể gây bỏng mắt
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, Vì vậy chúng ta cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, các loại Vitamin, rau củ quả để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đeo khẩu trang, đeo kính khi ra đường. Hạn chế đến chỗ đông người bởi vì khả năng lây bệnh cho người xung quanh rất cao.
Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.